Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Một số biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất lúa trên nền đất nhiễm phèn


Hinh lua Hong Hanh
Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, diện tích đất phèn các loại chiếm khoảng 1,5 triệu ha, phân bố chủ yếu ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và một số vùng khác. Có nhiều biện pháp cải tạo đất phèn, biện pháp thủy lợi sử dụng nước ngọt để rửa phèn là biện pháp có hiệu quả hơn cả. Ngoài ra, còn có thể áp dụng một số biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lúa trên nền đất nhiễm phèn như sau:

            1. Thiết kế đồng ruộng:
Cần thiết kế đồng ruộng thuận lợi cho cải tạo đất phèn. Việc đánh rãnh trên ruộng lúa để xả phèn và kết hợp bón lót lân là biện pháp rất đúng và rất hiệu quả. Để có thể xả phèn tốt thì hệ thống kinh mương cần được thiết kế như sau: Một mương xả phèn với độ sâu khoảng 1 – 1,2m, rộng 1,5 – 2m và nối với kinh nguồn. Mương này còn có tác dụng giúp cho việc vận chuyển phân, giống, sản phẩm sau thu hoạch rất thuận lợi. Trong mỗi ruộng nên làm những mương giáp vòng quanh ruộng để xả phèn, bề rộng và sâu chỉ cần khoảng 50 – 70cm. Đối với những ruộng lớn nên xẻ thêm các mương xương cá trên ruộng nối với các mương giáp vòng để xả phèn tốt hơn.
2. Chuẩn bị giống:
Chọn các giống lúa chịu được phèn mặn khá như: OM4900, OM5954, OM5451, OM2517, GKG1, OM7347 ... Chỉ nên ngâm ủ giống vừa nứt nanh trắng, không để ra mầm, ra rễ quá dài (sạ xuống dễ bị nổi). Kỹ thuật ngâm ủ: Ngâm 24 – 36 giờ, ủ 36 giờ là đủ, nhớ ủ ấm, đảo đều. Lượng giống cho sạ ngầm (giống tốt: 140-160 kg/ha) cao hơn khuyến cáo cho sạ gác (100-120 kg/ha).
3. Làm đất:
Làm đất bao gồm cày, trục hay bừa và san bằng mặt ruộng. Đối với đất phèn nhẹ, phèn trung bình có thể cày sâu khoảng 20 – 25cm, sau một thời gian sẽ làm cho tầng canh tác đất dày lên và tăng khả năng khoáng hóa chất hữu cơ, giảm được độc sắt. Đối với đất phèn nặng, có tầng phèn tiềm tàng gần tầng đất mặt, không được cày sâu vì nếu cày sâu thì vô tình sẽ lật cả tầng phèn lên trên và gây độc cho lúa.
Cày ải trên đất phèn cần chú ý: đối với đất phèn nhẹ hoặc trung bình, có thể cày ải vì cày ải cũng có tác dụng cắt đứt được các mao dẫn phèn từ dưới lên trên và tạo điều kiện cho sắt hóa trị 2 (Fe2+) (loại sắt gây độc cho cây lúa) bị oxyt hóa chuyển sang sắt hóa trị 3 (Fe3+) có màu vàng sậm không còn gây độc nữa. Ngược lại, trên đất phèn nặng nếu cày ải sẽ tạo điều kiện cho không khí chui xuống bên dưới tiếp xúc với tầng phèn và oxy hóa chất sinh phèn tạo thành chất độc gây hại cây lúa.
Đối với đất phèn nhẹ (hoặc trung bình), có thể làm đất nhuyễn để tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng tốt. Ngược lại, trên đất phèn nặng không nên làm đất nhuyễn quá vì nó sẽ tạo thành những mao dẫn giúp chất độc từ dưới dẫn lên trên và acid nhôm trong đất phèn sẽ có cơ hội giải phóng ra các độc chất nhôm. Mặt khác, khi làm đất nhuyễn, các hạt đất kết dính lại với nhau làm khả năng thoát phèn, rửa phèn sẽ khó hơn.
Việc làm mặt bằng trên đất phèn là rất quan trọng, bởi vì sản xuất lúa thành công trên đất phèn là nhất thiết phải dùng nước để ém phèn. Như vậy trên bề mặt ruộng nên cố gắng giữ một lớp nước khoảng 10 – 15cm và để làm tốt điều này thì mặt bằng ruộng phải bằng phẳng, càng bằng phẳng càng tốt. Nếu ruộng chênh nhau quá khoảng 15 – 20cm, nên đắp bờ phân ruộng ra chứ không nên đào đất để san bằng sẽ lấy hết lớp đất mặt ở những chỗ gò đem xuống chỗ trũng và phèn bên dưới chỗ đất gò sẽ xì lên gây hại.
Trong quá trình quản lý đất phèn, trước hết phải ngăn chặn không cho các vật liệu sinh phèn bên dưới có cơ hội tạo thành độc chất gây hại. Do đó, việc dùng nước ém phèn rất quan trọng, hệ thống thủy lợi phải luôn được đảm bảo. Phải biết tầng sinh phèn nằm ở độ sâu bao nhiêu, nếu thấy ở tầng đó có trị số pH khoảng 3,5 phải ém phèn ngay ở độ sâu đó hoặc cao hơn một chút bằng cách luôn giữ mực nước trong các kinh mương ngang đó hoặc cao hơn. Như vậy, ngoài việc xẻ những kinh mương nội đồng trong ruộng lúa, nên xới xáo trên bề mặt ruộng để phèn dễ rửa trôi hơn. Lưu ý khi rửa phèn, nguồn nước phèn chảy ra từ các ruộng này sẽ rất chua và gây độc cho các cây trồng khác trong vùng nên cần phải có kế hoạch luân phiên rửa phèn.
4. Gieo sạ:
Áp dụng phương pháp sạ ngầm để hạn chế hiện tượng xì phèn. Điều kiện đầu tiên để áp dụng phương pháp sạ ngầm là nước phải trong. Như vậy, không phải vùng nào cũng sạ ngầm được, vùng có ưu thế để sạ ngầm là các vùng đất phèn, đặc biệt là vùng đất phèn nặng vì chất phèn sẽ làm lắng phù sa và làm cho nước trong nhanh. Mực nước lúc sạ phổ biến nhất từ 20 – 40cm. Địa hình cao, nước rút nhanh có thể sạ ở mức 40cm. Địa hình trũng, nước rút chậm, có thể chờ nước rút đến 15 – 20 cm mới sạ. Nói chung, việc căn chiều cao mực nước cũng chưa đủ, cần căn tốc độ nước rút sao cho sau khi sạ 2 tuần, cây lúa mọc khỏi mặt nước là sạ ngầm thành công. Sạ ở mức nước quá thấp <10 a="" c="" cao="" ch="" cm="" d="" i="" l="" lu="" m="" n="" ng="" nung="" p="" qu="" ru="" s="" t.="" t="" tr="">50cm) cây lúa nằm lâu trong nước sẽ yếu về sau đẻ chồi kém và cho năng suất rất kém.
Sau khi sạ xong, hạn chế tối đa người và gia súc lội xuống ruộng (lội xuống làm nước đục, chết lúa). Nên bón urê để thúc mầm từ 1-3 ngày sau sạ: Lượng từ 20 – 50 kg/ha (tùy độ đục của nước).
5. Quản lý nước:
Giữ nước trong ruộng phù hợp để gieo sạ, khi lúa được 3 – 5 ngày, rút nước từ từ để cây lúa nhô đầu lá lên (không rút khô quá làm xì phèn). Định kỳ thay nước trước mỗi lần bón phân bằng cách tháo cạn nước cũ rồi mới bơm nước mới vào.
Giai đoạn lúa 30 – 33 ngày, tiến hành rút cạn nước (chú ý không để ruộng quá khô dẫn đến xì phèn lên mặt) nhằm hạn chế chồi vô hiệu, làm cho đất thông thoáng, cây lúa cứng cáp và hạn chế sâu bệnh gây hại.
Giai đoạn 33 – 38 ngày đưa nước vào ruộng để bón phân đón đòng và giữ ở mức 5 – 7 cm để lúa có đủ nước bước vào giai đoạn trổ và chín sáp.
Trước khi thu hoạch 5 – 7 ngày (khi lúa trên bông chín 80 – 85%), tháo cạn nước trong ruộng để thúc đẩy quá trình chín. Chú ý không tháo cạn nước sớm vì sẽ gây hiện tượng xì phèn làm lúa lép lững. Trường hợp lúa bị ngộ độc hữu cơ phải thay nước 2 – 3 lần.
Trong quá trình canh tác, có thể tháo cạn nước, thay nước định kỳ để rửa phèn trước khi bón phân hoặc khi thấy hiện tượng ngộ độc phèn.
6. Bón phân:
Trong các biện pháp cải tạo đất phèn, biện pháp sử dụng nước ngọt để rửa phèn là biện pháp có hiệu quả hơn cả. Ở các vùng đất cao thì bón vôi và bón phân lân nung chảy là biện pháp chiếm ưu thế.
Bên cạnh chọn giống lúa thích hợp cho vùng đất phèn, qui trình và kỹ thuật bón phân, kỹ thuật canh tác là biện pháp rất quan trọng .Về quy trình bón phân cho lúa trên đất phèn cần chú ý phân biệt ra hai loại đất phèn nặng và đất phèn trung bình (hay đất phèn đã được cải tạo), gieo cấy vụ Đông xuân hay vụ Hè thu. Dù vụ nào, đất phèn thuộc loại nặng hay trung bình, phân lân (P) vẫn được coi là thành phần quan trọng nhất. Khi bón lân, một phần lân dễ tiêu được cung cấp ngay cho cây, một phần lân khác bị kết hợp với Fe, Al để thành phốt phát - Fe, Al khó tan. Tuy hiện tượng này làm lượng lân sử dụng trên đất phèn phải tăng lên vì một phần lân đã kết hợp với một số lượng khá lớn Fe, Al thành dạng khó di động nên sẽ không trực tiếp làm tác hại lên bộ rễ lúa, do đó lúa tránh được hiện tượng ngộ độc của phèn. Do vậy, đối với đất phèn nặng, lượng lân (P2O5) phải được bón từ 60-80 kg/ha, còn trên đất phèn đã trồng lúa nhiều năm hay đất phèn trung bình, lượng lân có thể giảm xuống đến khoảng ½ lượng phân bón trên đất phèn nặng. Ví dụ, vào vụ Đông xuân công thức bón phân cho lúa trên đất phèn nặng được khuyến cáo giao động từ 70 – 80 kg N + 60 – 80 kg P2O5 + 30 – 50 kg K2O. Còn với vụ Hè thu thì lượng phân được khuyến cáo là 60 – 70 kg N + 70 – 90 kg P2O5 + 30 – 40 kg K2O. Trên đất phèn trung bình hay phèn nhẹ, vụ Đông xuân khuyến cáo bón 80 – 90 kg N + 30 – 50 kg P2O5 + 30 – 40 kg K2O. Vụ Hè thu khuyến cáo bón 60 – 70 kg N + 40-50 kgP2O5 + 30-40 kgK2O. Lân được khuyến cáo bón lót khoảng ½ lượng cần bón dưới dạng phân lân nung chảy hoặc phân lân hữu cơ.
7. Xử lý ngộ độc phèn:
            Chú ý các giai đoạn sinh trưởng, đặc biệt giai đoạn đẻ nhánh. Giai đoạn này khi lúa bị ngộ độc phèn có triệu chứng xuất hiện những chấm nhỏ màu nâu xuất hiện từ chóp lá và xuống cả lá già. Nếu nhiễm phèn nặng lá trở nên màu nâu tím, vàng hoặc vàng cam sau đó bị rụi. Cây lúa kém phát triển, có rất ít chồi, quan sát rễ có màu nâu, vàng, khô, cứng và quăn queo, không có rễ mới.
            + Cách xử lý:
            - Xung quanh bờ ruộng phải đào mương thoát phèn, tránh phèn từ trên bờ theo nước mưa đi xuống ruộng.
            - Phải bố trí hệ thống mương thoát phèn trong từng lô ruộng để chủ động tháo nước khi cần thiết.
            - Thay nước mới để xả phèn trong ruộng, tại những chỗ bị gò (bị xì phèn) thì ép nước lên gò cho đủ. Có thể bón vôi bột (300 – 500 kg/ha) trước lúc bón phân lân 1 – 2 ngày sẽ tăng hiệu quả phân lân.
            - Sau đó bón lân nung chảy (Ninh Bình hoặc Văn Điển) từ 100 – 250 kg/ha (tuỳ tình trạng ngộ độc nặng hay nhẹ).
            - Phun phân bón lá có hàm lượng lân cao (dinh dưỡng NPK : 15-30-15) để cứu cây, giúp hạ độc phèn nhanh.
             - Sau 3 – 7 ngày kiểm tra thấy rễ trắng tiếp tục bón phân để cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa.
   Lưu ý : Khi cây lúa bị ngộ độc phèn, ngưng ngay bón đạm (urê), nếu bón vào làm lúa chết nhanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét